Phục vụ Trương Tú Giả_Hủ

Năm 195, Lý Thôi và Quách Dĩ lại một lần nữa tham gia vào một cuộc xung đột lớn với nhau vì tranh chấp quyền hành. Hai người làm loạn kinh thành, ức hiếp thiên tử. Giả Hủ nhận thấy tình hình không thuận lợi nên đã dâng trả ấn thụ và theo về với tướng quân Đoàn Ổi (cũng vốn là một bộ tướng của Đổng Trác) đang đóng ở Hoa Âm, Giả Hủ với Đoàn Ổi là người cùng quê nên theo ông ta.[4]

Theo Tam Quốc chí, cháu của Trương Tế vừa tử trận tại Nam Dương là Trương Tú đề nghị Giả Hủ phục vụ cho ông ta nhưng Giả Hủ không nhận lời. Tuy nhiên ít lâu sau, Giả Hủ bỏ Đoàn Ổi và theo về với Trương Tú. Tam Quốc chí chép "Hủ có tiếng là người trong sạch, quân lính của Ổi rất ngưỡng vọng. Ổi trong bụng sợ bị Hủ đoạt quyền, mà bề ngoài lại cung phụng Hủ lễ nghĩa rất đầy đủ, Hủ càng thấy bất an hơn".Lúc Tú ở Nam Dương, sai người đi đón Hủ. Hủ sắp đi, có người hỏi: "Đoàn Ổi đãi ngài hậu như vậy, sao ngài bỏ ông ấy?". Hủ đáp:

"Ổi tính cách đa nghi, có lòng ngờ ý của Hủ, lễ tuy hậu, cũng chẳng thể nương cậy, ở lâu sẽ bị ông ấy mưu hại. Ta bỏ đi ông ấy tất mừng, lại mong ta kết giao làm đại viện ở ngoài, tất hậu đãi vợ con ta. Tú không có người chủ mưu, cũng mong có được Hủ này, thế thì người nhà ta và ta đều toàn vẹn rồi."

Giả Hủ qua chỗ Trương Tú, Tú lấy lễ làm phận con cháu, Đoàn Ổi quả nhiên đối đãi tốt với người nhà Hủ.

Ông hiến kế cho Trương Tú liên minh với Lưu Biểu. Năm 197, Tào Tháo tấn công Trương Tú, một buổi dẫn quân lui về, Tú tự mình truy kích. Hủ bảo rằng:

"Chẳng nên đuổi theo, đuổi theo tất bại."

Tú không nghe, tiến binh giao chiến, đại bại trở về. Hủ bảo Tú rằng:

"Mau quay lại đuổi gấp đi, đánh nữa tất sẽ thắng."

Tú tạ rằng: "Ta chẳng dùng lời của công, đến nỗi thế này. Nay đã thua bại, sao lại đuổi nữa?". Hủ nói: "Cái thế dùng binh biến hóa, hãy đi gấp tất được lợi."Tú tin lời Hủ bèn thu nhặt binh tốt tan tác vội đuổi theo, đại chiến, quả nhiên toàn thắng trở về. Tú hỏi Hủ rằng:

"Tôi dùng binh truy kích quân rút lui, mà công nói rằng tất bại; lui rồi lấy quân thua bại đánh quân thắng, mà công nói là tất thắng. Đến như lời của công nói, sao việc trái ngược nhau mà đều ứng nghiệm vậy?"

Hủ nói:

"Việc ấy dễ hiểu thôi. Tướng quân tuy khéo dùng binh, nhưng không phải địch thủ của Tào công vậy. Quân kia đúng là mới lui, Tào công tất thân đi đoạn hậu; quân đuổi theo dẫu tinh nhuệ, nhưng tướng chẳng địch được, binh sĩ bên kia cũng tinh nhuệ, nên tôi biết là tất bại. Tào công đánh tướng quân không bị thất sách, sức chưa hết mà lui về, tất trong nước có việc; đã phá được tướng quân, ắt hẳn khinh binh tức tốc lui về, để cho chư tướng đi đoạn hậu, chư tướng dẫu dũng mãnh, cũng không phải là địch thủ của tướng quân, nên tuy dùng bại binh giao chiến mà vẫn thắng vậy."

Tú nghe xong phục Hủ lắm. Giả Hủ sau đó hiến kế cho Trương Tú giả vờ đầu hàng và đã dùng hỏa thực hiện một cuộc tập kích vào quân của Tào Tháo trong trận chiến Uyển Thành, tiêu diệt toàn bộ quân Tào.

Tào Tháo trốn thoát với sự nỗ lực của Điển Vi, viên tướng đã liều mạng hi sinh để ngăn quân Trương Tú truy kích Tào Tháo. Ngoài ra trong trận chiến Uyển Thành này, Tào Tháo còn mất một người con là Tào Ngang và người cháu là Tào An Dân.